Nếu thường xuyên lượn lờ trên các topic liên quan đến phim ảnh hay idol, chắc hẳn bạn đã từng “đụng” phải thuật ngữ Ô tê pê. Vậy Ô tê pê là gì mà được mọi người sử dụng nhiều vậy nhỉ?
Một khi đã bước chân vào thế giới fangirl, bạn cần nắm trong tay “cẩm nang từ vựng”. Bởi có rất nhiều thuật ngữ nhìn thì thấy quen nhưng hóa ra “tưởng vậy mà không phải vậy” với một ý nghĩa khác lạ hoàn toàn. Mặt khác, các bạn mọt phim Hàn hay fan Kpop cũng thường tạo ra cho cộng đồng của mình những từ mới chẳng giống ai mà nếu không cập nhật, bạn sẽ ngay lập tức trở thành người tối cổ.
Vậy Ô tê pê có nghĩa là gì? Những từ như ship, shipper hay non-shipper mà fan phim Hàn lẫn fan Kpop hay sử dụng mang ý nghĩa ra sao? Hãy cùng Giải Ngố tìm hiểu nhé.
MỤC LỤC
- 1. Ô tê pê là gì?
- 2. Ship là gì?
- 3. Shipper, Non shipper là gì?
- Note:
1. Ô tê pê là gì?
Ô tê pê thực ra cách viết khác của OTP (One True Pairing – Cặp đôi đích thực). Vì OTP đọc là “Ô tê pê” nên cách viết như vậy mới được ra đời, khiến nhiều bạn tự dưng cảm thấy xa lạ, chứ thực ra OTP quen mà nhỉ?
Hiểu một cách đơn giản, Ô tê pê (OTP) là cặp đôi mà bạn ủng hộ trong một bộ phim hay chương trình thực tế nào đó. Trong giới idol, đây có thể là cặp đôi giữa các thành viên trong cùng một nhóm nhạc, giữa thành viên nhóm nhạc này với nhóm nhạc kia hoặc rộng hơn là cặp đôi giữa người nổi tiếng này với người nổi tiếng kia. Mỗi khi OTP có sự tương tác với nhau, fan của họ luôn cảm thấy thích thú.
Như vậy, OTP có thể là cặp đôi giữa các nhân vật trong phim hoặc cặp đôi người thật trên thực tế, là cặp đôi nam – nam, nữ – nữ hoặc nam – nữ đều được. Miễn đó là cặp đôi bạn yêu thích, bạn đều có thể dùng từ Ô tê pê với họ.
Chẳng hạn trong Hospital Playlist – drama Hàn đang nổi tiếng trong thời gian gần đây, cặp đôi Khu Vườn Mùa Đông (Jeong Won và Gyeo Ul) là OTP của nhiều bạn xem phim. Còn trong giới Kpop, V-Jung Kook hay Chanyeol – Baekhyun là 2 trong số nhiều OTP được các fan ủng hộ hết mình.
2. Ship là gì?
Nhắc đến OTP thì cũng phải nói qua đến “ship” và “shipper” chứ nhỉ? Hai từ này đối với fangirl không có ý nghĩa liên quan đến vận chuyển đâu nha.
Ship là động từ, mang nghĩa gán ghép hai người nổi tiếng nào đó để tạo thành một cặp đôi. Thông thường, hai người nổi tiếng này đã từng kết hợp hoặc có sự tương tác ăn ý trong một tác phẩm hay sự kiện nào đó. Trong tiếng Việt, mọi người còn dùng từ “đẩy thuyền” với ý nghĩa tương tự.
Thế nhưng, cũng không hiếm trường hợp các bạn fan chơi hệ “mình thích thì mình ship thôi”, khi gán ghép những người không hề liên quan đến nhau để tạo thành OTP cho riêng mình.
3. Shipper, Non shipper là gì?
Shipper là danh từ, chỉ những người thực hiện hành động gán ghép kể trên. Khi có nhiều shipper cùng ủng hộ một cặp đôi nhất định, họ sẽ tạo nên cộng đồng shipper vững mạnh. Chẳng hạn sau những bộ phim lãng mạn nổi tiếng, số lượng người ship diễn viên đóng đôi chính trong phim với mong muốn “phim giả tình thật” lại không ngừng tăng lên. Son Ye Jin và Hyun Bin sau drama đình đám Hạ cánh nơi anh là một ví dụ điển hình.
Trái ngược với shipper là non-shipper. Đây là những người không ủng hộ hoặc không thích một cặp đôi nào đó được ship, dù có thể họ vẫn thích những người này, chỉ là không muốn họ được gán ghép với nhau. Thông thường, một người nổi tiếng luôn được gán ghép với nhiều người khác. Vì vậy, một bạn fan có thể là shipper của cặp này, nhưng lại là non-shipper của cặp khác với cùng một đối tượng.
Note:
Ở thời điểm hiện tại, xoay quanh ship và shipper là những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đây là một đặc trưng không thể thiếu của “văn hóa fangirl” và điều này cũng góp phần giúp cuộc đời làm fan thêm thú vị.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng các shipper thường đẩy mọi chuyện đi quá xa khi luôn soi mói và thêu dệt đời tư của những người mình ship. Thậm chí, những cuộc tranh cãi nghiêm trọng giữa các cộng đồng shipper, giữa shipper và non-shipper cũng liên tục xảy ra, chỉ vì sự khác biệt trong quan điểm mà thôi.
Từ vựng của fangirl luôn ở trạng thái muôn màu muôn vẻ và được làm mới qua từng ngày. Với những giải thích của Giải Ngố ở trên, hy vọng bạn đã hiểu Ô tê pê là gì cùng ý nghĩa của những thuật ngữ tưởng quen mà lạ như ship, shipper, non-shipper. Đừng quên theo dõi những bài viết khác của blog, để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích tương tự nhé!