Thiết kế là lĩnh vực không thiếu những thuật ngữ. Một số tưởng chừng như phức tạp nhưng lại hiện diện xung quanh ta mỗi ngày. Skeuomorphism là một trong số đó. Vậy Skeuomorphism là gì và ứng dụng của Skeuomorphism trong thiết kế đồ họa như thế nào. Cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!
- 8 cách tìm cảm hứng thiết kế cho người mới bắt đầu
- Giải đáp · nên dùng máy tính gì để sản xuất Video
- Fractal là gì? 7 công cụ tạo fractal miễn phí
- Editorial Design là gì và tầm quan trọng của Editorial Design trong ngành xuất bản trực tuyến?
- Trắng hay đen
- 5 điều cần biết về chụp ảnh định dạng Raw
I. Phong cách Skeuomorphism là gì?
Thuật ngữ “Skeuomorphism” xuất phát từ tiếng Hy Lạp: “skéuos” (vật chứa hoặc công cụ) và “morphḗ” (hình dạng). Kết hợp lại, nó có nghĩa là một cái gì đó để chứa một hình dạng? Theo Wikipedia, “Skeuomorph” nghĩa là một đối tượng được tạo mới nhưng vẫn giữ cấu trúc, đặc điểm thiết kế cần thiết của bản gốc, ngay cả những chức năng không cần thiết lắm.
Chúng ta hãy nhìn vào nền văn hóa Hy Lạp, nơi mà thuật ngữ “Skeuomorph” bắt nguồn.
Chú ý đến những hình khối chiếc “răng” trên cấu trúc công trình này, chúng được trang trí để nhằm mô phỏng những chiếc bè gỗ được sử dụng để chống đỡ mái nhà trong các tòa nhà cũ. Suy đoán này được đưa ra bởi trước khi làm bằng đá cẩm thạch thì các công trình Hy Lạp được làm bằng gỗ, các kiến trúc sư đã mô phỏng hình dạng cũ bằng vật liệu mới để tạo cảm giác thân thuộc và truyền thống cho công trình.
Từ Hy Lạp cổ đại đến những năm 1950, khi thân xe hoàn toàn bằng gỗ trở nên đắt đỏ và khó để các hãng duy trì sản xuất. Chevrolet đã thay thế bằng những tấm giả gỗ để có thể ổn định sản xuất và dành nguồn lực, vật liệu vào các bộ phận khác quan trọng hơn. Tương tự với chiếc ấm điện, kiểu dáng của nó dễ làm chúng ta liên tưởng đến một vật dụng truyền thống, đó là chiếc ấm uống trà bằng sứ hoặc kim loại.
Thông qua ví dụ này, chúng ta có thể đi đến một định nghĩa cơ bản: Skeuomorphism là phong cách thiết kế mô phỏng các vật liệu quen thuộc để gợi cảm giác quen thuộc hoặc thoải mái ở người tiêu dùng.
Đặc điểm của phong cách Skeuomorphism:
Skeuomorphism đã được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế, phong cách này có ưu và nhược điểm như thế nào?
Điểm cộng:
– Cảm giác thân thuộc: việc bạn đã sử dụng một giao diện công cụ nào đó trong quá khứ khiến bạn ít cảm thấy lạ lẫm và sử dụng dễ dàng những thiết bị mới (được áp dụng Skeuomorphism) ngay từ lần đầu tiên.
– Sự hấp dẫn về trực quan: phong cách này đem lại sự thích thú cho mắt và sự thú vị khi sử dụng, tưởng tượng xem bạn làm việc trên một màn hình cảm ứng nhưng những thao tác
– Thiết kế chú trọng vào chi tiết, tỉ mỉ: để mô phỏng một vật liệu quen thuộc thường khá mất thời gian và phải làm tỉ mỉ từng chi tiết để tạo ra hiệu quả về trải nghiệm đúng nhất có thể.
– Chất liệu lấy cảm hứng từ thực tế: dù chỉ là mô phỏng về mặt thị giác nhưng yếu tố này vẫn ảnh hưởng tới xúc giác và cảm xúc mạnh mẽ nhất.
Điểm trừ:
– Giao diện theo skeuomorphism được thiết kế chi tiết tỉ mỉ nhưng đôi khi người dùng cảm thấy phức tạp. Đây là cảm giác dễ thấy khi mô phỏng 1 bảng điều khiển có quá nhiều nút hiệu chỉnh.
– Nếu chỉ sản xuất các công cụ mới dựa trên thiết kế của các thiết bị cũ thì dần trở thành lối mòn, các nhà phát triển – nhà thiết kế sẽ không còn động lực để tạo ra những đột phá và đổi mới nữa. Như slogan của Apple “Think Different”.
– Hạn chế về không gian-bố cục: vì mô phỏng thiết kế đến từng chi tiết nên khó có không gian để bố cục, bố trí, trong khi các thiết bị ngày nay đều hướng đến tối giản.
II. Phong cách Skeuomorphism trong thiết kế UI
Nhắc đến Skeuomorphism, những designer trong ngành hẳn sẽ nghĩ ngay đến ứng dụng của phong cách này trong thiết kế UI (User Interface – Giao diện người dùng). Họ thiết kế để giao diện dùng có các yếu tố nhìn giống hoặc mô phỏng hành động ngoài đời thật.
Sở dĩ phong cách này được sử dụng rộng rãi trong thiết kế UI bởi, sự phát triển khoa học công nghệ đầu thế kỉ 21 là một bước tiến thần kỳ. Những cỗ máy phức tạp như máy tính, điện thoại ngày nay đều được điều khiển dựa trên một màn hình chức năng nhỏ, thậm chí còn được vận hành cảm ứng bằng ngón tay, làm sao để những người dùng trung bình cũng có thể tiếp cận và sử dụng chúng dễ dàng? Skeuomorphism đã được ứng dụng để họ có thể cảm thấy sự thân thuộc của những đồ dùng thật, giảm thời gian làm quen cũng như hướng dẫn sử dụng.
Với Skeuomorphism, kể cả mới sử dụng lần đầu thì cũng không quá khó khăn và quá lâu để bạn làm quen với thiết bị đâu.
Một số ứng dụng của Skeuomorphism trong thiết kế UI
Icon (biểu tượng)
Màn hình quả là hoài niệm đối với những ai đã sử dụng qua hệ điều hành iOS của Apple. Biểu tượng điện thoại có hình dạng của chiếc điện thoại bàn cổ điển mặc dù điện thoại di động không hề giống như vậy. Biểu tượng mail thì giống như 1 phong bì giấy vẫn dùng để gửi thư trong quá khứ. Rõ ràng là chỉ cần đọc tên chức năng thì ta cũng sẽ biết icon đó ở đâu đúng không nào! À thực ra ở những chiếc điện thoại bàn phím bấm cũng đã thiết kế icon skeuomorphism nhưng có thể vì chưa được bắt mắt và dựa vào tên icon nên chúng ta chưa chú ý đó thôi.
iBooks
iBooks của iOS với nỗ lực khiến cho trải nghiệm đọc trên màn hình pixels giống với sách giấy nhất có thể: từ bố trí icon như một giá sách thật cho đến giao diện đọc, cách lật trang, hoàn toàn giống thật.
Calculator
Giao diện của các hệ điều hành nhìn chung đều giống một chiếc máy tính cầm tay nhất có thể. Kể cả trên các thiết bị như PC, laptop đều có bàn phím để nhập số thì giao diện calculator vẫn “nhiều nút” như vậy. Tất cả là để tạo sự thân thuộc cho người dùng.
Ứng dụng bật đèn Flash
Chỉ có 1 chức năng nổi bật là bật/ tắt đèn Flash nhưng cũng tối ưu trải nghiệm với nút nhìn như một chiếc công tắc trên bảng điều khiển thực, kèm theo âm thanh “tạch” càng chân thực.
Dashboard
Giao diện OS X Dashboard và các widget thêm vào đều cung cấp cho người dùng những thông tin nhanh chóng, dễ dàng. Chỉ cần nhìn lướt qua bạn có thể biết từng widget sử dụng cho việc gì, máy tính, đồng ý, giấy ghi chú và lịch.
III. Sự trở lại của phong cách Skeuomorphism
Tuy là một phong cách mang lại sự thân thiện, thích thú cho người dùng nhưng nếu là một trào lưu thì cũng sẽ có lúc thoái trào. Thật vậy, phong cách Skeuomorphism đã có một thời gian lùi lại, nhường chỗ cho những phong cách mới, tiêu biểu là flat design và minimalism (phong cách tối giản).
Năm 2007, tạp chí Forbes đã công bố sự chấm dứt của phong cách Skeuomorphism. Apple, sau đó là Google đã ngay lập tức đưa ra một phong cách mới để thay thế – thiết kế phẳng (flat design).
Thiết kế phẳng giải phóng giao diện người dùng đồ họa (Graphic User Interface) phải được giải phóng khỏi sự lộn xộn. Không còn các góc cạnh, ánh phản xạ và độ chênh lệch. Giao diện kỹ thuật số (digital) được giải phóng hoàn toàn từ cái bóng của cách sử dụng cũ (analog) và cần được khai thác các thế mạnh riêng của nó.
Cùng với flat design thi minimalism cũng lên ngôi tới mức không chỉ là một phong cách thiết kế mà còn trở thành một lối sống (lifestyle) trong thời hiện đại. Minimalism sử dụng thật ít yếu tố nhưng là các yếu tố cần thiết nhất để tạo nên trải nghiệm. Đơn giản đến tối giản, trực quan, tránh rối mắt và ấn tượng là đặc điểm của phong cách này.
Windows 8 hay iOS 7 là những đại diện khởi đầu đánh dấu sự thay đổi từ Skeuomorphism sang các phong cách mới. Chúng mau chóng được đông đảo người dùng trên toàn thế giới ca ngợi “xu hướng của tương lai”, tinh giản gọn nhẹ và dễ sử dụng là điều người dùng cần nhất trong thời hiện đại, không còn là những nút bấm nổi như trước kia nữa?
Sự hồi sinh của Skeuomorphism
Ngày nay chúng ta đang số hóa mọi thứ – từ đồng hồ, xe hơi và thiết bị tay cầm.. Internet vạn vật (Internet of Thing) đang đưa Skeuomorphism trở lại trong tư duy thiết kế.
Thay vì tương tác với một bề mặt phẳng, như màn hình điện thoại hoặc máy tính bảng, người dùng hiện đang muốn hướng tới tương tác kỹ thuật số với các đối tượng trong thế giới thực hơn.
Hãy lấy ví dụ về chiếc đồng hồ điện tử thông minh (digital smart watch) nhé. Đối với cộng đồng người thích đeo đồng hồ nói chung thì họ vẫn thích đeo đồng hồ mặt có kim đồng hồ chạy hơn bởi sự sang trọng và thói quen và cách họ được học xem giờ, ứng dụng góc nhìn của đồng hồ từ hàng chục năm nay. Digital watch thì có những tính năng vô cùng tiện lợi như đếm bước chân, đo nhịp tim,.. nhưng chỉ hiển thị số, chỉ những dòng số điện tử thôi. Từ trong sâu thẳm người dùng có điều kiện thì tất nhiên họ vẫn ưu tiên đồng hồ mặt kim, những thương hiệu đình đám như Rolex, Tag Heuer, Breitling,… Hiểu được điều đó, giờ đây những chiếc smartwatch (ví dụ AppleWatch) cũng hiển thị với mặt kim đồng hồ nhìn rất hiện đại và quan trọng là cách đọc giờ không khác gì của một chiếc đồng hồ truyền thống.
Cũng có thể nói rằng, chiếc smartwatch không còn là một chiếc đồng hồ. Nó là một chiếc máy tính được đeo trên tay, và ứng dụng phong cách skeuomorphism vào để mô phỏng thành chiếc đồng hồ. Quan điểm này cũng thú vị đấy chứ, và đó là một tín hiệu vui cho những ai yêu thích phong cách này bởi nó sẽ trở lại mạnh mẽ trong tương lai gần khi mà mọi thứ xung quanh ta đều được “số hoá”, trở thành những chiếc máy tính trong hình hài những vật dụng cũ.
Đối với thiết kế đồ hoạ thì sao, mới đây Microsoft cũng đưa ra một bộ icon mới hoàn toàn nhằm thay thế và đổi mới giao diện sử dụng trên đa nền tảng. Đáng chú ý là bộ icon mới này sử dụng những chất liệu quen thuộc như vải, ruy băng,..và đưa vào chiều không gian thứ 3. Cũng là Skeuomorphism nhưng là “modern skeuomorphism” – fluent design. Phong cách này chắc chắn sẽ quay lại và lợi hại hơn xưa nhiều!
TẠM KẾT
Skeuomorphism vẫn luôn hiện diện quanh chúng ta dù là thời điểm thoái trào hay trào lưu. Nhưng trong tương lai gần đây hứa hẹn sẽ là một phong cách đáng thử và nắm bắt. Bạn có thể tham khảo khóa học UI-UX cơ bản để hiểu thêm về thiết kế trải nghiệm-giao diện người dùng và có thể vận dụng các phong cách thiết kế một cách tốt nhất nhé!
#skeuomorphism
# UI-UX
# thiết kế
# giao diện
# mô phỏng
# microsoft
# Jweb
# image
# Thiết kế chuyên sâu
Mạnh Hùng
· 2020-01-05 17:16:49
· 11416 lượt xem